Ý nghĩa tên các huyện của tỉnh Đồng Nai

4 tháng trước
Rùa Team
Anh em Team Rùa mỗi lần đi review tại huyện, xã nào đều ngó nhau hỏi “Tại sao ở đây lại có tên như vậy ha?”. Và sau mỗi chuyến Review, anh em cũng gật gù hiểu hơn tên ấy xuất phát từ đâu. Bởi vị trí, thổ nhưỡng, khí hậu và lịch sử,… hình thành nên nét rất riêng của cái tên ấy. Theo dòng chảy Đồng Nai, cùng tìm hiểu về ý nghĩa những cái tên của tỉnh Đồng Nai cùng Team Rùa nhé cả nhà.
Ý nghĩa tên các huyện của tỉnh Đồng Nai 1
Một ngày nắng đẹp tại hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 9 huyện và 02 thành phố:
  • Thành phố Biên Hòa: là tên ghép lại từ tên cũ “Trấn Biên” (trấn của biên cương) với “hòa bình” mà thành. Có thể hiểu nghĩa Biên Hòa là “hòa bình ở vùng biên giới”.
  • Thành phố Long Khánh: có thể hiểu theo nghĩa “thịnh vượng, vui mừng”. Thực ra theo lịch sử thì địa danh này có từ thời nhà Nguyễn do ghép tên của hai phủ Long An và Phước Khánh. Trước 1975, Long Khánh là tên của một tỉnh.
  • Huyện Cẩm Mỹ có nghĩa là “đẹp như gấm”. Cẩm Mỹ là tên được chọn đặt cho một huyện mới thành lập năm 2003, gồm một phần diện tích của huyện Xuân Lộc và một phần của thị xã Long Khánh. Đây cũng là tên của một nông trường cao su nằm trong huyện.
  • Huyện Định Quán: Thời Gia Long, nơi đây là đơn vị hành chính Tuần, còn được gọi là thủ Ba Can. Có giả thuyết cho rằng khi chúa Nguyễn đem quân vào Nam từng đóng quân ở đây nên nơi “Định Quân” này sau đó được gọi trại ra thành Định Quán.
  • Huyện Long Thành: nhiều người định nghĩa Long Thành là “thành rồng”. Theo tác giả Lê Trung Hoa thì chữ “Long” có đến 4 nghĩa, trong đó có một nghĩa là “thịnh vượng”, còn chữ “Thành” có 3 nghĩa, trong đó có một nghĩa là “thành công”. Trong thực tế, ở vùng này xưa kia cũng không có cái thành nào được xây dựng nên ông cho rằng hiểu “Long Thành” theo nghĩa “thành công và thịnh vượng” thì hợp lý hơn là “thành rồng”.
  • Huyện Nhơn Trạch: được nhiều người giải thích là nói trại chữ Nhân Trạch, nghĩa là “theo nơi ý người mà tuyển chọn” (Nhân vi tuyển trạch)
  • Huyện Tân Phú: có nghĩa là giàu có, mới mẻ. Đây là huyện xa nhất của tỉnh Đồng Nai về phía Bắc.
  • Huyện Thống Nhất: tên này được đặt sau năm 1975, được hiểu theo nghĩa đất nước hợp nhất thành một khối, có sự điều hành chung.
  • Huyện Trảng Bom: có nhiều cách giải thích:
  1. Một số người cho rằng Trảng Bom là do chữ Pháp transport (vận chuyển) đọc trại mà thành. Chú giải lịch sử cho các giải thích này là vào năm 1907, nhà máy BIF ở Biên Hòa cho lập riêng 2 nhánh đường sắt từ ga Biên Hòa đến nhà máy và từ ga Trảng Bom đến Bến Nôm. Nhà máy này sản xuất mặt hàng xuất khẩu là gỗ xẻ, đồ mộc…
  2. Cách giải thích “cận đại” cho rằng vào thời kháng chiến chống Mỹ, nơi đây bị bom B52 tạo thành nhiều hố bom, còn gọi là chảng bom, đọc trại thành “trảng bom”.
  3. Cách giải thích khác là trong cấu tạo địa danh của người Việt có công thức như “Trảng + tên cây” (Như Trảng Bàng). Ở đây là “Trảng” + tên cây Bôm. Cây Bôm còn đọc là “bom” là cây chùm bao lom, tạo ra dầu chaulmougra trị bệnh phong hủi. Cây chùm bao lom từng mọc nhiều ở vùng này.
  • Huyện Vĩnh Cửu: có nghĩa là lâu dài. Thời kháng Pháp, Vĩnh Cửu là tên một thôn ở vùng Bình Đa, Biên Hòa.
  • Huyện Xuân Lộc: nghĩa là lộc của mùa xuân.
Nguồn được sưu tầm từ “Theo dòng chảy Đồng Nai”.
Càng tìm hiểu về Đồng Nai – mảnh đất nhiều dấu ấn lịch sử, Team Rùa càng thấy yêu nơi này!
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận