Ý nghĩa tên các địa danh tỉnh Đồng Nai

4 tháng trước
Rùa Team

Nhiều cái tên ở Đồng Nai nếu ngẫm nghĩ sẽ thấy khá thú vị bởi cách cấu tạo của nó:

* Nhiều địa danh mang tên động vật như: Bàu Sấu (Rừng Cát Tiên, Tân Phú), suối Chồn, ngã ba Cua Heo (TX Long Khánh), suối Rết (Trảng Bom), đảo Ó (hồ Trị An, Vĩnh Cửu), núi Tượng (Tân Phú), đèo Con Rắn (Cẩm Mỹ)…

* Nhiều địa danh mang tên cây như: suối Quýt, suối Nho (Cẩm Mỹ), ấp Bến Sắn (Nhơn Trạch), suối Tre (TX Long Khánh), sông Trầu (Trảng Bom), xã Cây Gáo (Vĩnh Cửu), núi Le (Xuân Lộc)… Trong đó địa danh Dầu Giây có nhiều cách giải thích:

1/ Do nơi đây trước kia có nhiều cây dầu, lại có nhiều loại dây leo lên thân cây dầu.

2/ Năm 1954, đồng bào di cư đến vùng này là người công giáo ở Bùi Chu và Phát Diệm đem theo cây trầu để trồng (ăn), trầu là loại dây leo và theo cách phát âm của họ thì “trầu dây” biến thành “Dầu Giây”.

Ở thành phố Biên Hòa có địa danh ngã ba Vườn Mít do ở khu mũi tàu trước kia có trồng một vườn toàn mít (nay không còn cây nào cả!)…

Các nhánh suối ở phía Nam huyện Long Thành
Các nhánh suối ở phía Nam huyện Long Thành

* Nhiều địa danh có thành tố “Bà” như:

– Hóc Bà Thức ở Biên Hòa. “Tương truyền bà Thức người làng Tân Phong đi rừng kiếm củi bị ma đem giấu trong một xó rừng, mấy hôm sau người nhà mới tìm thấy được, từ đó nơi này có tên như trên”.

– Ấp Bà Trường ở huyện Nhơn Trạch. Theo lời các bô lão kể lại thì vào một năm rất xa xưa, không may trời lụt lội, lại thêm dịch bệnh hoành hành, người chết đói, chết bệnh la liệt. Bấy giờ ở gần cầu suối Dẹp có một người đàn bà tên Trường, vừa giỏi làm ruộng, vừa giỏi nghề thuốc. Thấy tình cảnh làng xóm như vậy, bà liền đem hết số lúa gạo dự trữ trong nhà phân phát cho bà con, rồi sẵn tài làm thuốc, bà lại đi từng nhà mà chữa trị, cứu được nhiều người bệnh. Sau khi bà mất, để nhớ ơn, dân ở đây lập miễu thờ Bà và đặt tên ấp.

– Núi và sông Thị Vải ở huyện Long Thành. Đúng ra tên núi và sông này là Thị Vãi – còn gọi là Bà Vãi – viết dấu ngã. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: “Xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng do kén chọn lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng nhưng không được bao lâu chồng cũng chết, bà thề không tái giá, nhưng bị kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu, bà bèn trốn đời xuống tóc, lập am ở đỉnh núi, tự làm bà thầy cả, kẻ ăn người ở làm đồ đệ, giữ lòng tu tập, sau thành chánh quả, do đó người đời lấy từ bà vãi mà đặt tên núi”. Còn sách Đại Nam nhất thống chí, lục tỉnh Nam Việt (bản dịch năm 1959 ở Sài Gòn, tập thượng, trang 14) cho biết thêm bà vãi này tên thật là Lê Thị Nữ.

* Nhiều tên gọi có nguồn gốc từ tiếng dân tộc ít người bản địa:

– Suối Bà Rá (Vĩnh Cửu) không nói về một “bà” nào mà bắt nguồn từ ngôn ngữ dân tộc Xtiêng: Bra. Cuốn Stieng – English dictionary có giải thích Bra là nghĩa là “thần linh”. Phụ âm B được âm tiết hóa thành Bà, còn Ra đọc chệch thành Rá (Tương tự Brahman = Bà la môn)…

– Rạch Bà Kí (Long Thành) trong tiếng Khmer là Tonlé prêk kompong koki. Tên chữ gọi là Kí Giang, nhưng tên nôm là rạch Bà Kí hay sông Bà Kí. Trong Tonlé prêk kompong koki: ba chữ tonlé prêk kompong dồn lại dịch là vàm sông. Koki, sau này sách mới lại viết koky là cây sao đen, cây sao. Vàm cây sao, nhưng dịch thành Rạch Bà Kí là để giữ âm tiếng Khmer.

– Rạch Chiếc (Long Thành), cũng có gốc Khmer, dạng gốc là Prêk Cèk (theo Trương Vĩnh Ký), nghĩa là dòng sông nhỏ có mọc nhiều cây chiếc – một loại cây thấp, lá lớn, thường mọc ở vùng nước lợ, lá vị chát, có thể ăn như rau.

* Một số địa danh có cách giải thích rất khác nhau:

– Núi Đầu Tây (TX Long Khánh) được cho là vào khoảng năm 1936, đồng bào dân tộc Châu Ro ở Suối Tre (An Lộc) đã nổi dậy đấu tranh, bắt và chặt đầu tên Pháp gian ác Đờ-Lăng-Xoa đến cướp đất đuổi dân mở rộng đồn điền cao su An Lộc. Sau đó, đồng bào đã đem đầu tên Tây này cắm trên một ngọn núi nhỏ sau làng Cấp Rang để cảnh cáo bọn giặc và đặt tên núi là Đầu Tây. Cách giải thích khác: ở vùng này xưa kia có tê giác sinh sống và người dân đã từng săn được tê giác, chặt lấy đầu (sừng). Con tê giác tiếng Hán là “Tây”, gọi núi Đầu Tây tức núi “Sừng tê giác”.

– Đèo Mẹ bồng con (TX Long Khánh) là tên gọi con đèo đầu tiên trên đường từ Nam ra Bắc. Đèo nằm cách ngã ba Dầu Giây khoảng 4km, gồm một con dốc lớn và một con dốc nhỏ. TS Lê Trung Hoa giải thích: “Dốc lớn tượng trưng cho mẹ, dốc nhỏ tượng trưng cho con”. Dân gian thì kể rằng có người phụ nữ mang thai đi đến đây thì chết, được lập miếu thờ đặt tên con đèo là “Mẹ bồng con”. Các thi sĩ dân gian còn làm thơ: “Có người đàn bà đi tìm chồng không biết bao năm tháng / Tới đây / giữa rừng núi âm u / kiệt sức / người mẹ chết trong tay còn ôm chặt / thi hài đứa trẻ lên ba / Ở đây không có người đàn bà trông chồng hóa đá / Chỉ có nấm mồ vô danh của hai mẹ con nghèo / Có tình yêu nào nồng nàn hơn thế / Thơ có cháy lòng cũng chỉ là thơ”. Thực ra đèo Mẹ bồng con bây giờ được nắn lại từ hai con dốc cũ nằm chệch về phía phải (theo hướng Bắc – Nam) khi người ta mở rộng đường Quốc lộ 1 chạy ngang qua.

(“Mẹ bồng con” có lẽ là tên chung được gọi những nơi có địa thế đồi lớn nhỏ gần nhau. Trong một truyện ngắn của nhà văn Vũ Bằng, ông đã mô tả trong một đoạn văn: “Ở miền Trung, lối đi về Nha Trang, có một cái đèo kêu là Mẹ Bồng Con, cách Cà Ná chừng hơn cây số. Ở đấy, núi non lởm chởm, đất rắn mà đỏ khè, cây cối cằn cọc, dân cư sinh sống thưa thớt” – Truyện Ông sư mất đầu ở đèo Mẹ bồng con”)

– Bằng Lăng là một địa danh xưa của tỉnh Đồng Nai. Nhiều người đọc và viết chệch thành Bàn Lân, Bàn Lăng, Bàng Lăng. Tên này có hai cách lý giải:

Nhiều người cho rằng Bằng Lăng là tên một loại cây to, hoa màu tím hồng, gỗ nâu vàng. Đây là loài cây bản địa, mọc rất nhiều trước đây trong vùng Đồng Nai và Gia Định.

Giải thích khác: Bằng Lăng là tên loại cây blaang (bonrbax malabarium) của người Mạ – một loại cây gạo, gọi là cây gạo Malaba Ấn Độ. Loại cây này “đốn từ trong rừng đem về trồng ở buôn làng để làm cọc hiến sinh (người ta buộc con trâu để giết tế lễ vào đó); cây cọc này sẽ đâm rễ xanh tươi trở lại và đây là di tích chỉ báo sự chiếm ngụ của con người trên vùng đất đã bị bỏ đi. Loại cây gạo mọc ở núi cao và cao nguyên thường nhỏ thấp ở mức trung bình; ngược lại, cây gạo mọc ở bờ sông, triền đất thung lũng phù sa ở miền hạ lại đạt đến kích thước cao lớn, nổi bật trên tầng cây rừng xanh thẩm quanh nó”.

Một góc hồ Cầu Dầu tại Thành phố Long Khánh
Một góc hồ Cầu Dầu tại Thành phố Long Khánh

* Một số địa danh được / bị viết khác đi:

– Phước Thiền: Một thời gian tên của xã thuộc huyện Nhơn Trạch này đã được viết là Phước Thiềng. Sau đó người ta sửa lại là Phước Thiền và dùng đến hiện nay. Chữ Phước Thiền có thể hiểu nghĩa là cửa chùa làm việc thiện. Nhưng Phước Thiềng cũng có lai lịch của nó. Chữ Thiềng được nói trại ra từ chữ Thành nên gốc của Phước Thiềng chính là Phước Thành. (Trong một bài dân ca miền Nam có lời ca: “thiềng thị ơi”, chính là từ “thành thị ơi” mà ra)

– An Viễn: Đây là tên gọi của một xã thuộc huyện Trảng Bom. Trước đây người ta viết là An Viễng thì chữ Viễng không có nghĩa. Cách viết này đến nay vẫn còn tồn tại ở một số người, kể cả trên văn bản, theo thói quen.

– Thành Tuy Hạ: Tên đúng là Thành Tuy, do ngày xưa có hai nơi thượng và hạ nên gọi là Thành Tuy thượng và Thành Tuy hạ. Sau này chỉ còn tên Thành Tuy hạ và chữ hạ trở thành một thành tố của tên, được viết hoa theo quy ước. Nhiều người không hiểu đúng đã viết là thành Tuy Hạ với nghĩa một cái thành tên là Tuy Hạ.

– Cầu Gành: Bị viết sai thành cầu Ghềnh

***

Tôi tin rằng khi thế hệ 5x, 6x không còn nữa, nhiều tên gọi ở Đồng Nai sẽ không còn ai biết đến, trừ khi đọc lại sách sử. Âu đó cũng là lẽ bình thường, tuy không khỏi luyến tiếc. Ở Đồng Nai có một số tên gọi như thế:

– Hàng Dương là tên rất xưa của đường 30 tháng 4 – Biên Hòa – hiện nay, tính từ quảng trường Sông Phố đến ngã 5 Biên Hùng. Tên này do nhân dân tự đặt vì ngày đó hai bên đường còn hoang vu, nhà cửa thưa thớt, có trồng nhiều cây phi lao (cây dương).

– Đường Đắp Mới là tên do dân đặt cho đoạn đường từ bùng binh Biên Hùng đến đầu cầu Rạch Cát. Sự xuất hiện của con đường này khiến ngã tư Biên Hùng chuyển thành ngã năm và tạo nên ngã ba Hãng Dầu. Đường Đắp Mới sau đó được chính quyền Sài Gòn đặt tên là Quốc lộ 1 đến trước 1975 và nay là đường Hà Huy Giáp.

– Đường Phạm Phú Quốc là tên đoạn đường từ Cổng 1 đến Cổng 2 Không quân rồi rẽ xuống Dốc Sỏi vào những năm sau của thập kỷ 60. Phạm Phú Quốc là tên viên trung tá không quân VNCH (ở đây chỉ nhắc đến lịch sử, không nêu quan điểm chính trị) năm 1962 từng lái máy bay bỏ bom Dinh Độc Lập thời tổng thống Ngô Đình Diệm, đánh sập một góc dinh. Máy bay của Quốc bị phòng không ở bến Bạch Đằng bắn trúng, phải đáp xuống sông và ông bị bắt giam. Năm 1963 sau khi Dương Văn Minh đảo chính Ngô Đình Diệm thành công, Phạm Phú Quốc được phục chức rồi thăng lên đại tá. Thời gian sau ông tham gia ném bom miền Bắc và tử trận trên đường từ Đà Nẵng ra Hà Tĩnh năm 1965. Hồi đó nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bài hát “Huyền sử ca một người mang tên Quốc” để ca ngợi (!) ông. Đường Phạm Phú Quốc chạy phía ngoài khu vực quân sự của sư đoàn không quân. Khi cầu Hóa An được xây dựng, người ta mở kéo dài đường này đoạn từ Cổng 2 đến chân cầu. Sau 1975, con đường lần lượt được mang tên Nguyễn Văn Trỗi, Quốc lộ 1K và hiện nay là đoạn cuối của đường Nguyễn Ái Quốc.

– Nhà Dù là một tên gọi xưa của khu vực Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh hiện nay thuộc phường Tân Phong. Nhà Dù là nơi quân đội Pháp giăng dù đóng quân trong thời gian 1954 – 1956. “Nguyên là những lều trại bố lớn, dựng tạm lên để đặt Tổng hành dinh của đại đội Lê Dương, sau là của Bộ tư lệnh Sư đoàn Dã chiến 4, khi mới điều động về trấn đóng Biên Hòa vào năm 1956” (Biên Hòa sử lược toàn biên, tập 1, Lương Văn Lựu).

– Dốc Sỏi là tên khu vực hai bên đường Phan Đình Phùng ngày nay. Ở đây vào thời chống Pháp, bọn thực dân chọn là nơi xử bắn những người Việt yêu nước chống đối. Sau đó vào thời gian 1954 – 1975, Dốc Sỏi là khu anh chị, đĩ điếm có tiếng. Nơi này cũng có một nghĩa trang chôn lính Pháp của Thành Kèn gần đó, được gọi tên là Đất Thánh Tây.

– Lò Than là khu vực thuộc phường Tân Phong, đối diện với bệnh viện 7B ngày nay. Những năm 50, 60 ở đây có nhiều lò hầm than của bà con địa phương. Do vắng vẻ nên Lò Than cũng là một địa điểm của dân anh chị, gái điếm ở Biên Hòa.

– Núi Đất là tên một đồi thấp nằm trên phường Tân Tiến, sau này bị san bằng để làm khu dân cư. Trong khu vực này có ngôi đền thờ Trương Công Định.

– Cua Heo là tên một ngã ba dẫn vào trung tâm thị xã Long Khánh. Tại nơi đây ngày trước là một điểm đầu mối mua bán hàng hóa từ miền Trung vào, trong đó có con heo.

– Ngã Ba Ty là tên một thời của ngã tư Đồng Khởi ngày nay (Tện khác: Ngã tư Tân Phong). Gọi là Ngã Ba Ty vì ở khu vực này có trụ sở của 3 ty: nông nghiệp, địa chính, thủy lợi. Do ngã tư này hình thành bởi hai con đường ngang qua 4 phường: Tân Phong, Trảng Dài, Tân Tiến, Tân Hiệp nên Ngã Ba Ty còn có tên là Ngã tư Quốc tế!

– Ngã ba Vũng Tàu là tên cũ của Ngã Tư Vũng Tàu do ngày đó nơi đây chưa có nhánh đường qua khu công nghiệp Biên Hòa 1 đi về hướng bờ sông Đồng Nai. Tuy hiện nay tên gọi chính thức được sử dụng là Ngã tư Vũng Tàu nhưng nhiều người vẫn gọi theo tên cũ.

– Cầu Đúc là tên cũ của cầu Tân Hiệp gần di tích lịch sử nhà tù Tân Hiệp hiện nay. Gọi cầu Đúc do chiếc cầu này nằm trên quốc lộ 1, bắc ngang qua suối Săng Máu được xây dựng bằng bê tông (đúc).

***

Thực tế cho thấy những cái tên của núi, của sông, của địa phương, ngôi chợ, con đường… qua thời gian thường bị biến đổi bởi nhiều nguyên do. Con người của từng thế hệ cũng thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách nói.

Ở xóm Phúc Hải nơi tôi ở hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ cha ông đã quá vãng, nhiều câu chuyện còn là thời sự nóng hổi ngày nào giờ cũng chìm dần vào lãng quên của những người trong cuộc còn các thế hệ mới thì không hề biết đến. Nhiều cái tên xóm làng ở đây cũng dần đi vào quá khứ như tên xóm Làng Nam, xóm Vườn Rau, xóm Miên… Đặc biệt là cái tên chẳng thi vị gì “Nhà thương điên Biên Hòa” cũng đang dần chìm vào quên lãng dù có một thời đó là cái tên quen thuộc thứ nhì sau tên “xứ bưởi” mà người các nơi trong nước dùng để chỉ tỉnh Biên Hòa…

Mất, còn là chuyện đương nhiên. Nhớ, quên là chuyện thường tình. Nhưng tôi vẫn hy vọng những gì của quá khứ – như những cái tên – nếu được ghi lại, nếu được người đời sau đọc biết, sẽ là cái nền vững bền cho một tình yêu quê hương – như tình yêu với đất Đồng Nai – mà ai đã là người, luôn mang nặng trong lòng.

Đâu phải chưa từng có những gì đáng nhớ bị người đời lãng quên, vô tình hay cố ý…

Tư liệu từ nguồn: Theo dòng chảy Đồng Nai

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận